1. Đừng tỏ vẻ biết hết những gì người bệnh cần hoặc muốn
Thay vì tỏ vẻ “biết tuốt” những điều người bệnh mong muốn và quyết định thay họ, bạn hãy cho họ quyền được lựa chọn. Hãy hỏi người bệnh xem họ cần giúp đỡ như thế nào, cần giúp những gì, có cảm thấy thoải mái không… Người bệnh đôi khi khá nhạy cảm và nếu quan tâm thái quá có thể làm họ suy nghĩ bạn xem họ như một người khiếm khuyết.
Bạn nên cùng người thân tham gia câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường để lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của những người cùng bị bệnh. Lúc đó bạn sẽ hiểu về tâm tư, tình cảm của người thân mình hơn.
2. Tìm hiểu thêm về bệnh đái tháo đường
Nếu là người chăm sóc trực tiếp người bệnh thì bạn nên biết những kiến thức về đái tháo đường. Hãy cố gắng thu nhận kiến thức càng nhiều càng tốt, cùng tham gia những lần tái khám với người bệnh để nắm rõ bệnh tình cũng như sự thay đổi các phác đồ điều trị.
Ngoài ra, các phương pháp cấp cứu khi hạ đường huyết, phương pháp sử dụng máy thử đường huyết mao mạch, cách tiêm insulin, cách thực hành chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường là những kiến thức cơ bản bạn cần phải học.
3. Nhớ rằng bạn không phải là “cảnh sát” giám sát người bệnh
Đừng cố giám sát hay điều khiển người bệnh. Thay vào đó, hãy để người bệnh tự có ý thức thay đổi lối sống và chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ. Những lời góp ý, động viên của bạn có thể tốt cho người bệnh nhưng cần tế nhị, nếu không có thể sẽ làm họ không vui.
Bạn cần hiểu rằng, chính người bệnh là người chịu trách nhiệm cho sức khỏe của họ. Do vậy, mọi thay đổi cần diễn ra trong không khí vui vẻ và tự nguyện. Tuy nhiên, sự nhắc nhở người thân uống thuốc đúng giờ, duy trì thói quen tốt cho sức khỏe vẫn rất cần thiết đối với người bệnh.
4. Tham gia vào sự thay đổi
Thay đổi thói quen và sở thích là một việc rất khó khăn. Nhưng việc thay đổi có thể dễ dàng và đỡ nhàm chán hơn nếu người bệnh có bạn đồng hành. Hơn nữa, thực hành chế độ dinh dưỡng đái tháo đường và tập luyện thể thao thường xuyên không chỉ tốt cho người bệnh mà còn tốt cho tất cả mọi người. Nếu được, bạn hãy động viên, cùng tập luyện với người bệnh, cùng tham gia một môn thể thao nào đó người bệnh yêu thích hoặc cùng nấu những món ăn tốt cho sức khỏe. Như thế họ sẽ có thêm động lực và niềm vui trong quá trình điều trị bệnh.
5. Khuyến khích sự tự lập nhưng vẫn theo dõi người bệnh thường xuyên
Điều này nên áp dụng cho những người đái tháo đường típ 2 còn khỏe mạnh và còn có thể tự chăm sóc cho mình. Một trong những mục tiêu điều trị đái tháo đường là nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa người bệnh trở về cuộc sống như một người bình thường. Do đó, một người bệnh đái tháo đường cần được tư vấn, trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết về chế độ điều trị để tự mình có thể chủ động kiểm soát bệnh tật của mình trong cuộc sống hàng ngày như: biết lựa chọn những nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe, kiểm tra đường huyết bằng máy đo đường huyết cá nhân, thậm chí biết điều chỉnh liều insulin theo hướng dẫn cho phép của bác sĩ… Tuy nhiên, sự hỗ trợ, giúp đỡ và những lời động viên của người thân sẽ không bao giờ thừa. Điều đó giúp người bệnh vui vẻ và duy trì được những thay đổi có lợi cho người bệnh trong cuộc sống của mình.
0 comments: